Kỹ thuật chống rét cho trâu bò nhà nông nên nắm rõ

Gia súc

Written by:

2.5 (50%) 2 votes

Nắm vững kỹ thuật chống rét cho trâu bò là việc rất quan trọng đối với các hộ chăn nuôi. Trong những đợt rét đậm rét hại cuối năm, số lượng trâu bò bị chết rét lên đến hàng chục nghìn con gây thiệt hại rất lớn cho bà con. Hơn nữa lại tập trung chủ yếu vào các hộ nghèo nuôi ít, nên bà con lại càng gặp khó khắn. Nguyên nhân chính là do bà con chưa nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt là chăm sóc trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt về mùa đông ở các tỉnh phía Bắc. Sau đây, Nông Nghiệp Mới xin được giới thiệu một số biện pháp chống rét cho trâu bò để bà con tham khảo.

Đảm bảo thức ăn cho trâu bò tránh rét

Đây là biện pháp cần được ưu tiên hàng đầu. Trên thực tế, nếu đảm bảo được nguồn thức ăn thì trâu bò sẽ tự có khả năng chống rét. Bà con cần lưu ý một số điểm sau:

  • Dự trữ thức ăn cho trâu bò như các loại cỏ khô, các sản phẩm nông nghiệp như rơm khô, thân cây ngô khô, thân cây đậu… Dự trữ thức ăn cho trâu bò bằng các phương pháp ủ: ủ xanh, ủ rơm ure
  • Mỗi hộ nên có một số diện tích trồng cỏ, hoặc gieo ngô dày để đảm bảo đầy đủ thức ăn kịp thời.
  • Có thể bổ sung thức ăn tinh như : cám, bột ngô…đặc biệt trong những ngày thời tiết khắc nghiệt
  • Nên cho ăn nhiều bữa trong ngày để tránh trâu bò bị đói.
  • Nước uống cũng là yếu tố quan trọng. Nếu không cung cấp đủ nước, trâu bò dễ bị hiện tượng rối loạn trao đổi chất. Nên cho trâu bò uống nước sạch. Nếu hôm nào trời quá lạnh có thể cho uống nước ấm và có bổ sung thêm một chút muối khoảng 5g/100kg thể trọng. Đây là phương pháp đơn giản, dễ làm nhưng lại mang lại hiệu quả cao.

Phòng chống rét cho trâu bò

Chuồng trại tránh rét cho trâu bò

Chuồng trại hợp lý, cũng làm một trong những điều kiện chống rét quan trọng, cũng như đảm bảo sức khỏe cho trâu bò trong quá trình chăn nuôi. Tùy vào quy mô chăn nuôi mà các hộ bố trí diện tích chuồng trại cho phù hợp, có thể hoàn toàn xây mới nếu có điều kiện, nhưng cũng có thể dùng các vật kiệu sẵn có để giảm chi phí.

  • Nhưng dù ở quy mô nào thì cũng phải đảm bảo các điều kiện che chắn, chống gió lùa nhưng vẫn phải thông thoáng.
  • Nền chuồng phải sạch sẽ. Có thể sử dụng thêm chất dộn chuồng như rơm, rạ khô để trâu bò nằm.
  • Kết cấu chuồng phải tiện lợi cho việc chăm sóc và vệ sinh hàng ngày.
  • Với những ngày nhiệt độ xuống rất thấp, có thể thắp thêm các loại bóng điện sợi đốt ( bóng điện tròn) để sưởi ấm.
  • Đảm bảo định kỳ vệ sinh tiêu độc trong chuồng nuôi. Rắc vôi bột xung quanh chuồng để khử trùng.

Chăm sóc trâu bò chống rét

  • Không nên chăn thả vào những ngày quá lạnh hoặc ngày có gió lớn.
  • Có thể tận dụng các lại vải, bao tải gai, mền chăn cũ may áo ấm cho trâu bò. Đây là phương pháp cũng rất dễ thực hiện. Diện tích áo càng che nhiều phần thân trâu bò càng tốt. Khi mặc cần ưu tiên phần thân chính. Buộc chặt, cố định để tránh trâu bò làm xô lệch hoặc rơi trong quá trình vận động.

Phòng và trị một số bệnh trong mùa rét

Vào mùa đông nhiệt độ thấp kéo dài, kết hợp với độ ẩm không khí cao làm cho cơ thể trâu bò tốn nhiều năng lượng để chống rét. Cũng vì vậy mà làm giảm sức đề khàng của cơ thể. Nhiều loại dịch bệnh như dịch tả, tụ huyết trùng, bệnh đường hô hấp có điều kiện bùng phát ảnh hưởng đến sức khỏe đàn trâu bò. Hai loại bệnh thường sảy ra trong mùa đông đối với trâu bò là bệnh cước chân và bệnh đường hô hấp.

Bệnh cước chân

Bệnh cước chân có nguyên nhân từ việc không đảm bảo thức ăn và chuồng trại không vệ sinh tốt khiến trâu bò bị nhiễm khuẩn. Triệu chứng điển hình khi trâu bò bị bệnh là sưng ở các khớp chân. Sờ vào thì thấy nóng. Ấn vào chỗ sưng thì trâu bò sẽ đau.

Bệnh cước chân ở trâu bò

Căn cứ vào các triệu chứng có thể chia bệnh cước chân ở trâu bò thành 3 cấp độ:

  • Cấp độ 1: Bốn chân của trâu bò sưng to, căng lên, ngoài da đỏ, sau thâm lại. Ấn ngón tay vào có vết lõm và có phản ứng đau, co chân lên.
  • Cấp độ 2: Bệnh kéo dài từ 6-12 ngày. Trâu bò đi lại rất khó khăn phải nằm một chỗ. Nếu không điều trị kịp, chỗ sưng ở chân sẽ bị nứt ra, chảy dịch màu vàng.
  • Cấp độ 3 : Da và lớp kế tiếp bị hoại tử thành từng đám, có chỗ tím bầm, chỗ phồng rộp lên. Nếu nặng sẽ bị hoại thư, làm lộ ra sợi cơ và xương, nếu không điều trị kịp có thể làm tắc mạch máu, gây xung huyết ở phổi và bầm huyết não.

Tùy vào từng cấp độ mà bà con điều trị bệnh cho phù hợp:

  • Nếu bệnh mới xuất hiện có thể dùng gừng giã nhỏ, hòa vào rượu để xoa bóp hàng ngày.
  • Nếu chỗ cước chân bị nhiễm trùng phải rửa sạch bằng nước muối ấm. Nước muối pha với nồng độ 50g/ lít và đun nóng khoảng 40 độ C.
  • Sau khi rửa xong, lau khô chân trâu bò bằng rẻ sạch dùng chai nước nóng có nhiệt độ 40-50 độ C để trườm vào vết sưng. Mỗi ngày làm từ 1-2 lần sáng và chiều.
  • Bôi dầu gió vào chỗ sưng đau nếu chưa bị nứt hoặc chảy dịch.
  • Nếu vết đau bị loét, dùng hỗn hợp 20 viên Sulfamezarin 0,5g tán nhỏ trộn với 2g Streptomycin ( 2 lọ) cộng với ½ chén than xoa. Trộn đều và rắc vào chỗ chân đau. Mỗi ngày rắc 1-2 lần. Rắc xong dùng túi nilon có đục lỗ thoáng để bọc lại phần chân được rắc thuốc.
  • Nếu chân móng bị viêm loét nặng, chảy dịch do nhiễm khuẩn phải tiêm kháng sinh Penicillin 30.000 đơn vị/kg thể trọng. Dùng phối hợp với Streptomycin liều 20mg/kg thể trọng, tiêm bắp liên tục 4-5 ngày. Dùng thêm thuốc trợ sức như Vitamin B1, vitamin C, long não.

Lưu ý: Khi phát hiện trâu bò bị bệnh cước chân, bà con dừng ngay việc chăn thả tránh cho vận động nhiều. Cần cho trâu bò nghỉ ngơi. Ngoài ra cần giữ ấm cho trâu bò tránh hiện tượng nhiễm khuẩn.

Bệnh viêm phổi.

Về mùa đông, ở bê nghé, thường xảy ra bệnh viêm phổi. Nguyên nhân do một số vi khuẩn, vi rút gây ra. Loại này thường trong môi trường chăn nuôi khá phổ biến. Theo kết quả thống kê khoảng 5-7% mang trùng này trong cơ thể. Gặp điều kiện thuận lợi như giá rét, sức đề kháng trâu bò giảm thì phát bệnh.

Bệnh viêm phổi ở bê nghé

Triệu chứng bệnh viêm phổi ở trâu bò:

  • Thời gian ủ bệnh kéo dài 10 – 14 ngày
  • Thể trạng gầy yếu, lông xơ xác, ít vận động.
  • Ho, thở khó khăn, có những con có biểu hiện ho cong cả phần lưng lên. Ho nhiều vào buổi sáng và đêm khuya. Thở nhanh, khó.
  • Bê, nghé có biểu hiện bỏ bú, ăn uống kém.
  • Lúc đầu thấy bê, nghé có biểu hiện khô mũi. Sau khi bệnh phát thấy có biểu hiện nước mũi chảy nhiều. Thậm chí có những trường hợp nước mũi chảy dịch viêm.
  • Sốt cao có thể lên đến 41 độ C sau đó giảm dần.

Các loại thuốc điều trị.

  • Để điều trị cần dùng một trong các loại kháng sinh Hanflor LA tiêm bắp: 1ml/15kg thể trạng, tiêm nhắc lại sau 48h. Nếu tiêm dưới da: 1m/7-8kg thể trọng, tiêm 1 lần duy nhất.
  • Dùng kháng sinh Haxylin LA 1ml/10kg thể trọng, tiêm 1 mũi say 3 ngày tiêm nhắc lại 1 mũi và tiêp liên tục từ 2-3 mũi.
  • Dùng kháng sinh Linspec 5/10 liều lượng 1ml / 10kg thể trọng / ngày, liên tục từ 5-7 ngày
  • Dùng kháng sinh Hansunvil-10 liều lượng 1ml/10kg thể trọng / ngày

Để đàn trâu bò, tránh một cách tối đa các loại bệnh tật, bà con áp dụng toàn diện tất cả các biện pháp kỹ thuật từ khâu vệ sinh chuồng trại, định kỳ phun thuốc sát khuẩn. Cung cấp đầu đủ dinh dưỡng cân đối cho đàn trâu bò. Tiêm phòng theo lịch đã dc khuyến cáo. Giữ ấm cẩn thận cho trâu bò những ngày trời rét. Đặc biệt, khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C ngừng chăn thả, và thực hiện các kỹ thuật phòng chống rét cho trâu bò đã trình bày ở trên.

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *