Hướng dẫn trồng dưa lưới cực đơn gian từ A-Z

Trồng cây ăn quả

Written by:

4.5 (90%) 2 votes

Là loại trái cây bổ dưỡng, giàu vitamin và mang lại giá trị kinh tế cao, dưa lưới (dưa vân lưới) ngày càng được trồng phổ biến hơn. Từ những nhà vườn trồng dưa lưới chuyên nghiệp, hiện nay rất nhiều gia đình với diện tích đất nhỏ cũng tự trồng và chăm sóc dưa lưới. Nếu bạn đang quan tâm đến loại cây ăn quả này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu bí quyết tự trồng dưa lưới cho quả ngọt lịm nhé!

1. NGUỒN GỐC CỦA DƯA LƯỚI

Dưa lưới được phát hiện và gieo trồng đầu tiên bởi người Ai Cập. Thuở mới khai sơ cây ra quả nhỏ và nhạt nước, phải trải qua nhiều thời kỳ cải tạo và phát triển mới  có được những giống dưa lưới cho quả to và ngọt như ngày nay. Với đặc trưng khí hậu nhiệt đới Việt Nam có lợi thế vượt trội cho việc trồng dưa lưới phát triển. Hồ Chí Minh và Bình Dương là 2 vựa dưa lưới lớn nhất cả nước. 

Quả dưa lưới có  họ với bầu bí, dáng hình oval, khi còn non da màu xanh. Sở dĩ có tên gọi là dưa vân lưới vì ngoài quả có nét đặc trưng là các đường gân màu trắng sần sùi đan xen nhau tựa như chiếc lưới.

Một quả dưa lưới đến khi chín thường nặng từ 1.2 kg đến 3.5 kg, còn tùy thuộc vào loại giống. Cũng tùy vào từng loại giống mà thịt quả khi chín sẽ có các màu khác nhau như: xanh ngả cam, trắng kem, cam nhạt, cam ngả đỏ, vàng…..

2. LỰA CHỌN THỜI ĐIỂM GIEO TRỒNG DƯA LƯỚI

Dưa lưới là loại cây ưa nắng ấm, khô ráo, đủ ánh sáng nên trồng trong những vụ mùa ít mưa, nắng ráo. Tùy theo từng miền mà bạn nên chọn thời điểm thích hợp nhất dao động từ tháng 2 đến tháng 9 hàng năm. Tháng 5 đến tháng 9 là thời điểm miền Bắc vào hè, nắng vàng như mật, rất thích hợp để dưa lưới phát triển. Các bạn ở miền Nam thì nên chọn trồng vào mùa khô, từ tháng 2 đến tháng 4. Khi thời tiết đã chuyển lạnh hay vào mùa mưa thì nên tránh trồng dưa lưới nếu không cây sẽ chậm phát triển, quả nhỏ, nhạt và dễ bị sâu bệnh.

3.LỰA CHỌN ĐẤT TRỒNG DƯA LƯỚI

Đất trồng quả dưa lưới cần đảm bảo các tiêu chí như đất tơi xốp, thoát nước, giàu dinh dưỡng. Các loại đất như đất cát pha, đất phù sa đều thích hợp. Để tăng dinh dưỡng hữu cơ thì bạn nên trộn gỗ mùn, trấu, phân xanh hữu cơ hoặc phân động vật vào đất.

Khi bạn chỉ trồng cây với số lượng nhỏ tại, để chất lượng của đất được đảm bảo  nhất thì bạn có thể đến các cửa hàng cây cảnh để mua đất bán sẵn.

Nếu bạn trồng dưa lưới ngoài ruộng, trước tiên đất phải được cày bừa kỹ, tiêu hủy cây sâu bệnh cũ, nhặt bỏ các loại cỏ dại. Để tăng dinh dưỡng hữu cơ thì bạn nên trộn gỗ mùn, trấu, phân xanh hữu cơ hoặc phân động vật vào đất. Lên luống rộng 5m, cao 30cm, san phẳng mặt luống và thoải đều về hai bên mép để tránh cây bị ngập úng khi trời mưa.

4.LỰA CHỌN HẠT GIỐNG TRỒNG DƯA LƯỚI

Hạt giống tốt là một tiêu chí thiết yếu, hàng đầu quyết định đến chất lượng và số lượng quả dưa lưới. Bạn nên chọn hạt giống F1 để cho khả năng nảy mầm cao nhất, ít sâu bệnh, đậu quả to, ngon và ngọt. 

Các loại giống phổ biến nhất được kể đến đó là dưa lưới dài, dưa lưới Tú Thanh, dưa lưới ruột xanh Nhật Bản, dưa lưới hoàng kim. 

  • Dưa lưới dài là loại dưa lưới hình oval, vỏ quả xanh, gân trắng, khi chín thịt quả ngậm nhiều nước có màu đỏ cam, vị ngọt đậm. 
  • Dưa lưới Tú Thanh: Loại dưa này phù hợp với người tiêu dùng thích vị ngọt mát, thanh thanh. Quả có ruột màu xanh, hình tròn, lớp gân lưới đẹp mắt, vỏ quà dày, và nhiều hạt. 
  • Dưa lưới ruột xanh Nhật Bản: Giống dưa lưới bắt nguồn từ Kyushu (Nhật Bản) này so với thị trường thì có giá nhỉnh hơn so với các loại dưa khác. Loại quả này thường có trọng lượng nhỏ hơn các loại giống dưa lưới khác, chỉ dao động từ 1.3 kg đến 1.5kg, thịt quả màu xanh ngọc đẹp mắt, dày thịt và đặc biệt giòn.
  • Dưa lưới hoàng kim: Điểm dễ phân biệt nhất giữa dưa lưới hoàng kim và các loại dưa lưới thông thường khác là vỏ quả không có gân, màu vàng sáng bóng. Quả dưa có thể có hình tròn hoặc dài. 

5. KỸ THUẬT TRỒNG DƯA LƯỚI

Kỹ thuật ủ hạt giống dưa lưới

Cho hạt giống vào nước ấm ngâm từ 5 – 7 tiếng, rồi tiến hành ủ hạt với vải có có khả năng giữ ẩm tốt. (Bạn có thể bỏ qua bước này nếu trồng hạt giống F1). Khi hạt bắt đầu xuất hiện vết nứt nhẹ thì chuyển hạt vào bầu ươm.

Chuẩn bị bầu ươm hạt giống dưa lưới

Bỏ xỉ than vào nước ngâm, cứ 3-4 tiếng thì thay nước một lần để loại bỏ các tạp chất trong xỉ than. Ngâm khoảng một ngày thì bạn vớt ra đập vụn trộn xỉ than với đất với trấu theo tỉ lệ 4-4-2 là có giá thể để ươm hạt. Giá thể trong bầu ươm phải đảm bảo giàu chất dinh dưỡng, nếu bạn không có xỉ than thì nên trộn thêm xơ dừa, tro trấu, phân chuồng đã hoai mục hoăc phân trùn quế vào đất.

Hạt sẽ bắt đầu nảy mầm sau khi cho vào bầu ươm được 2 – 3 ngày. Bạn nên dùng bình xịt phun nước đều để đảm bảo độ ẩm và an toàn cho cây phát triển, nảy mầm. Khi cây đã ra đủ hai lá thật thì mang cây đi trồng (giai đoạn này thường kéo dài khoảng 8-10 ngày).

Tiến hành trồng dưa lưới

Bạn nên tiến hành trồng cây dưa lưới con vào buổi chiều mát. Thao tác nhấc cây ra khỏi bầu đất đòi hỏi người trồng phải nhẹ nhàng, tỉ mỉ, không được làm đứt rễ sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển của cây sau này. Bới một hố nhỏ rồi đặt cây non vào giữa. Dùng đất nấp kín xung quanh gốc, nén chặt, tưới đẫm nước cho cây.

Nếu bạn trồng dưa lưới trong xô chậu hay thùng xốp thì phải chọn loại có độ sâu và rộng. Mỗi cây trồng cách nhau 50cm để đảm bảo đủ diện tích cho rễ cây phát triển. 

Ngoài ruộng bạn trồng cây với mật độ cây cách cây 0,5m; hàng cách hàng 4m. Phủ nilon đen lên mặt luống để chặn cỏ dại, giữ độ ẩm cho đất, tiết kiệm nước tưới và phân bón.

6.CHĂM SÓC CÂY DƯA LƯỚI GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN

Dưa lưới là loại cây dễ chăm sóc, không cần quá kỳ công và tỉ mỉ. Bạn chỉ cần tưới nước thường xuyên và bón thêm phân đảm bảo cây có đủ chất dinh dưỡng để phát triển. 

Tưới nước cho cây dưa lưới 

Khi cây ra được từ 3 đến 4 lá, mỗi ngày bạn tưới khoảng nửa lít/ cây. Nếu bạn trồng dưa lưới trong chậu và thùng xốp thì phải có lỗ thoáng khí cho cây, không được để rễ bị ngập úng làm chết cây. Trước khi thu hoạch 1 đến 2 tuần, để tăng độ ngọt và giòn cho quả, bạn nên cắt giảm lượng nước tưới.

Bón phân cho cây dưa lưới

Ở mỗi thời kỳ phát triển của cây bạn nên lựa chọn loại phân tưới cho phù hợp. Chú ý bón thêm nhiều đạm cho cây trong giai đoạn đầu để thân vươn dài, lá phát triển nhanh. Đạm nên pha theo tỉ lệ nửa chén đạm nhỏ hòa cùng 7 lít nước, tưới cách ngày. 

Khi cây bắt đầu ra hoa kết trái, thì thêm nhiều phân lân. Quả non được 10 ngày nên bón thêm NPK, mỗi cây nhỏ bón khoảng 10g.

Giai đoạn gần thu hoạch (khoảng trước 2 tuần) để  tăng độ ngọt cho quả thì bón nhiều kali cho cây.

Làm giàn cho cây dưa lưới

Dưa lưới thuộc giống thân leo nên khi cây đã xuất hiện 5- 6 lá thì bạn cần dùng cọc tre và thanh gỗ để làm giàn cho cây. Bạn cũng có thể cho cây leo lên hàng rào ban công nếu bạn trồng dưa lưới trong thùng xốp hoặc chậu. Với các hộ kinh doanh dưa lưới thì nên đầu tư làm giàn cố định bằng lưới sắt để có thể sử dụng nhiều năm và khi cây ra nhiều quả, giàn vẫn chắc chắn, an toàn.

Tỉa lá cho cây dưa lưới

Để đảm bảo chất dinh dưỡng cây hấp thụ được sẽ nuôi nhánh chính để cho ra nhiều hoa trái thì các nhánh phụ xung quanh bạn lên tỉa hết cho đến khi có đủ 5 đến 7 lá tính từ gốc.

Thụ phấn cho cây dưa lưới:

Sau khi cây ra hoa khoảng 3 đến 5 ngày bạn nên tiến hành thụ phấn cho cây để tăng khả năng đậu quả (nếu bạn trồng số lượng ít và khu vực trồng cây có nhiều ong, bướm thì có thể bỏ qua bước này).

7.THU HOẠCH DƯA LƯỚI

Một vụ dưa lưới thường kéo dài 2 đến 3 tháng.  Nếu đầu tháng 2, tháng 3 bạn trồng, thì sang cuối tháng 4, tháng 5 là có thể thu hoạch dưa lưới. Nếu bạn trồng dưa vào tháng 8, tháng 9 thì sang cuối tháng 11, tháng 12 là có thể thu hoạch. Sau khi hái dưa lưới, bạn nên để khoảng 2 ngày thì quả ăn sẽ ngọt hơn .

Hy vọng sau bài viết này, các bạn đã có thể áp dụng bí quyết để trồng dưa lưới hiệu quả và năng suất từ bước gieo hạt đến bước thu hoạch. Chúc bạn có một vụ mùa bội thu!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *