Tự trồng dâu tây cực đơn giản ngay tại nhà

Trồng cây ăn quả

Written by:

Rate this post

Dâu tây là loại cây ăn quả cho trái hàng năm, trồng dâu tây tại nhà vừa mang tác dụng trang trí nhà cửa, vừa mang lại nguồn trái cây sạch cho cả gia đình. Tự tay trồng những trái dâu tây xinh xắn đỏ mọng không khó như bạn tưởng. Hãy cùng Nông Nghiệp Mới tìm hiểu về kỹ thuật trồng dâu tây cho trái chín mọng ngay tại nhà nhé!

1.Chọn giống dâu tây trồng tại nhà

Dâu tây có rất nhiều loại giống khác nhau:

  • Everbearing: giống dâu này có 2 mùa thu hoạch: mùa xuân và từ cuối hè đến mùa thu. Ngay cả trong thời gian sinh trưởng và phát triển cây vẫn cho ra quả.
  • Day Neutral: là giống dâu được lai tạo từ loại Everbearing. Giống dâu này cho thu hoạch liên tục từ mùa hè cho đến hết mùa thu.
  • June-bearing: giống dâu này cho thu hoạch chủ yếu vào tháng 6. June-bearing yêu cầu có khu đất rộng để phát triển bộ rễ của mình nên không thích hợp để trồng tại nhà.

Chọn giống dâu tây trồng tại nhà

Bạn có thể lựa chọn trồng dâu tây từ hạt giống hoặc cây con. Nếu chọn ươm cây từ hạt giống bạn sẽ cần nhiều thời gian và tỉ mỉ chăm sóc hơn. Nếu bạn trồng dâu tây lần đầu, chọn mua cây giống là lựa chọn tốt hơn cả. Khi mua cây dâu tây con, nên chọn cây cao từ 10-15cm, chọn cây khỏe mạnh, không có sâu bệnh và phát triển đều.

2.Nên trồng dâu tây vào thời điểm nào trong năm?

Bạn có thể trồng dâu tây vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, từ cuối tháng ba đến tháng năm được đánh giá là khoảng thời gian lý tưởng nhất. Bởi lúc này, trời đã hết giá rét, bắt đầu nắng ấm dần và chuyển sang hè, tạo điều kiện tốt để dâu tây phát triển.

3.Chọn chậu trồng dâu tây

Bạn có thể tận dụng các loại chậu, thùng xốp ngay tại nhà để trồng dâu tây. Lưu ý nhớ đục lỗ ở đáy và xung quanh để cây dâu tây dễ dàng thoát nước. Nếu “xịn” hơn, bạn có thể mua các loại chậu cây chuyên dụng để trồng dâu tây, các loại chậu treo hay chậu máng cũng rất được ưa chuộng. Lưu ý không nên trồng dâu tây trong chậu quá nhỏ, bạn sẽ phải chia ngăn và thay chậu thường xuyên, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Nên chọn chậu có đường kính 20cm để cây đủ dinh dưỡng và không gian cho rễ phát triển. Các chậu màu sáng cũng sẽ tốt hơn chậu màu tối vì nó sẽ giúp cây mát hơn.

Chọn chậu trồng dâu tây

4.Chọn địa điểm trồng dâu tây

Dâu tây là loại cây trồng ưa ẩm và chịu hạn rất kém, nhiệt độ phù hợp nhất cho cây phát triển là từ 7-30 độ C. Vị trí đặt chậu dâu tây tốt nhất là trên sân thượng, ban công, cửa sổ có mái che. Nếu như bạn chọn trồng cây dâu tây ngoài trời, nên đặt chậu dưới tán cây lớn để hạn chế bớt ánh sáng ban ngày.

Đặt chậu trồng dâu tây ở những nơi thoáng gió, có nhiều ánh sáng, đón nắng từ 6-8 tiếng/ ngày. Tránh đặt cây ở những nơi thiếu sáng vì khi đó lá dâu tây sẽ vàng dần và khó ra quả. Lưu ý ban đêm không đặt chậu dâu tây ở nơi có ánh đèn vì như vậy lá cây sẽ phát triển rất xanh tốt nhưng cây không ra quả. Thời gian chiếu sáng không quá 12 tiếng/ngày.

Chọn địa điểm trồng dâu tây

 

5. Chuẩn bị đất trồng dâu tây

Đất trồng ảnh hướng rất nhiều đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây dâu tây. Bạn nên lựa chọn đất thịt nhẹ, giàu dinh dưỡng, giữ ẩm, thoát nước tốt và không có mầm bệnh. Bạn có thể mua các loại đất này ở các cửa hàng bán dụng cụ trồng cây trên thị trường. Để tăng thêm dinh dưỡng cho cây, bạn nên trộn thêm 1 ít phân bón vào đất.

6.Kỹ thuật trồng dâu tây đơn giản tại nhà

Trồng dâu tây bằng hạt giống

Để kích thích nhanh quá trình nảy mầm, bạn ủ hạt giống dâu tây vào nước ấm khoảng 45-50 độ C trong khoảng 6 tiếng. Nếu không có nhiệt kế để đo nhiệt độ của nước, bạn có thể pha nước với tỷ lệ 2 nước sôi 3 nước lạnh. Sau đó, vớt hạt giống ra và đặt lên khăn ẩm, giấy ướt. Phủ lên phía trên một lớp khăn ẩm tương tự nữa và chờ hạt nảy mầm. Chờ sau khi hạt nứt, đem hạt giống ra nơi thoáng gió phơi khoảng 30 phút là có thể tiến hành gieo trồng.

Chuẩn bị đất và chậu như hướng dẫn trên, tiến hành gieo hạt vào chậu với khoảng cách bằng nhau. Sau đó, đặt chậu tại nơi thoáng gió, có ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào. Thực hiện tưới nước 2 lần/ này cho chậu để giữ đất đủ ẩm, không tưới quá nhiều nước dễ gây ngập úng.

Trồng dâu tây từ cây con

Trồng dâu tây từ cây con giúp bạn rút ngắn thời gian và nâng cao khả năng sống sót của cây. Lần lượt trồng cây dâu tây con vào. Nếu là chậu nhỏ thì trồng 1 cây dâu tây mỗi chậu. Đối với các chậu to hoặc chậu máng, bạn nên trồng mỗi cây dâu tây cách nhau khoảng 20cm. Đặt chậu ở nơi thoáng mát, có ánh sáng mặt trời và tưới nước đều đặn sáng, tối.

Trồng dâu tây từ cây con

 

Lưu ý khi trồng dâu tây bằng chậu đất nung, để tránh chậu đất nung hút ẩm ngược lại khiến đất khô, cây thiếu nước. Trước khi trồng cây hay gieo hạt bạn nên ngâm chậu đất nung vào nước. Bạn cũng nên tưới nhiều nước hơn khi trồng bằng loại chậu này.

Tách nhánh dâu tây để trồng chậu mới

Trong quá trình phát triển, khi cây đã đủ dinh dưỡng, dâu tây sẽ đâm nhánh mới và mọc rễ để phát triển như một cây độc lập. Nếu chậu cây của bạn đủ rộng, bạn không cần tách nhánh cây con. Nếu chậu không đủ không gian cho cây phát triển, bạn nên tiến hành tách nhánh cây mới ra chậu khác trồng. Lưu ý khi tách chậu, bạn nên đợi nhánh cây mới phát triển khoảng 1 tuần, rễ cây đâm sâu, cây có thể phát triển độc lập mà không cần hút chất dinh dưỡng từ cây mẹ. Tuyệt đối không tách chậu khi cây đang ra hoa, quả vì có thể khiến cây bị chột quả.

7.Kỹ thuật chăm sóc dâu tây

Đặt cây dâu tây ở nơi có ánh nắng chiếu nửa ngày là đủ, nhiệt độ thích hợp dao động từ 7-30 độ C. Nên tưới nước sạch cho cây 2 lần/ ngày vào sáng sớm và chiều nắng tắt. Nếu bạn trồng dâu tây bằng cây con, trong 1 tuần đầu tiên, bạn có thể sử dụng nước gạo để cung cấp dưỡng chất cho cây sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Cây dâu tây ưa ẩm nhưng đất trồng lại cần thoát nước tốt để dâu tây không bị ngộ độc chất dư thừa khi ta bón phân mà cây không hấp thụ hết. Bởi vậy, bạn nên nhẹ nhàng xới đất xung quanh gốc để đất tơi xốp mà không ảnh hưởng đến bộ rễ của cây dâu tây.

Cây dâu tây là loại cây thường xuyên thay đổi lá. Các chuyên gia khuyên rằng lý tưởng nhất là bạn chỉ nên để 4-6 lá/ cây. Vì vậy, khi cây phát triển và ra nhiều lá, bạn nên ngắt tỉa bớt các lá già.

Tùy thuộc vào giống cây, chất dinh dưỡng và chăm sóc mà cây dâu tây có thể cho ra hoa đơn hoặc hoa chùm. Bạn nên tiến hành ngắt bỏ đợt hoa đầu tiên để giúp cây dâu tây phát triển ổn định và ức chế cho lần ra hoa sau hiệu quả hơn. Từ đợt thứ 2 trở đi, nếu cây có quá nhiều hoa bạn cũng nên ngắt bớt để cây tập trung dưỡng chất để ra quả chất lượng hơn. Tiến hành loại bỏ các hoa héo, hóa dị dạng để không ảnh hưởng đến các hoa phát triển tốt khác.

8.Kỹ thuật bón phân khi trồng dâu tây

Trong thời gian cây dâu tây phát triển, cần thường xuyên cung cấp thêm dinh dưỡng bằng việc bón phân. Đối với cây dâu tây, nên bón phân theo nguyên tắc bón ít nhưng chia nhiều lần trong năm (khoảng 10 lần). Tùy thuộc vào sức sinh trưởng và từng giai đoạn phát triển mà lượng phân bón thay đổi. Sử dụng phân bón mua tại các cửa hàng cây cảnh để bón cho cây. Bạn cũng có thể sử dụng phân gà trộn chung với đất trồng rất tốt cho cây, tuy nhiên không nên cho quá nhiều dễ khiến cây dâu tây bị nóng. Đối với các loại phân hữu cơ, không nên bón trực tiếp dễ gây sâu bệnh, nên ủ một thời gian rồi mới bón. Khi cây dâu tây trên 1 năm tuổi, chức năng hấp thụ của rễ đã kém đi, bạn nên sử dụng Acid Boric và MgSO4 phun xịt định kỳ 10-15 ngày/ lần xịt để bổ sung phân qua lá.

9.Phòng ngừa sâu bệnh cho cây dâu tây

Khi cây dâu tây bị thiếu chất hay thừa chất, cây sẽ biểu hiện trên lá, vì vậy bạn nên thường xuyên chú ý quan sát để phát hiện kịp thời. Ví dụ hiện tượng lá cây bị cháy thường xuyên hiện khi cây vận chuyển đường xa hoặc do cây đang thiếu chất. Khi đó, bạn nên bổ sung chất dinh dưỡng cho cây bằng phân bón, ngắt bớt lá để tập trung dưỡng chất nuôi cây.

Bạn nên chú ý diệt các loại kiến và sâu bọ, đặc biệt là giai đoạn cây ra hoa và quả rất dễ bị tấn công. Mua thuốc công trùng tại các tiệm cây cảnh. Hãy phun thuốc ngay khi phát hiện hoặc khi quả còn non, không nên phun thuốc khi quả đã sắp được thu hoạch.

10.Thu hoạch dâu tây

Cho dù có chăm sóc tốt thế nào, đợt quả đầu tiên của cây dâu tây cũng sẽ không ngọt, vì vậy bạn không cần quá lo lắng. Hãy đợi cây dâu tây ở đợt quả sau và thưởng thức những trái dâu đỏ mọng ngon ngọt nhé.

Thu hoạch dâu tây

Dâu tây là loại không chín thêm sau khi thu hoạch. Vì vậy, để dâu tây đạt chất lượng tốt nhất, bạn chỉ nên tiến hành thu hoạch khi quả đã chín đều và chuyển sang màu đỏ. Có lẽ sẽ phải mất thời gian vài ngày để thu hoạch hết một đợt dâu tây chín nhưng bạn sẽ thu được thành quả xứng đáng. Nên dùng kéo và cắt ở khoảng 1/4 cuống dính vào quả dâu tránh làm quả tổn thương.   Vì là quả mọng nên dâu tây rất dễ bị dập nát, bạn nên thu hoạch nhẹ nhàng, xếp quả vào thật cẩn thận để hạn chế cọ xát.

Bạn đã sẵn sàng trồng những chậu dâu tây cho gia đình mình chưa nào??? Bắt tay vào trồng ngay hôm nay và quay lại báo cho Nông nghiệp mới kết quả nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *