Làm giàu từ mô hình nuôi lươn không bùn đơn giản và tiết kiệm

Thủy sản

Written by:

5 (100%) 1 vote

Những năm gần đây có khá nhiều hộ gia đình đã thành công với mô hình nuôi lươn bằng bể không bùn. Vậy mô hình này có những ưu điểm vượt trội gì và cần áp dụng những kỹ thuật nào để nuôi lươn không bùn thành công, đơn giản, tiết kiệm? Hãy để Nông Nghiệp Mới trả lời những câu hỏi này giúp bạn.

Ưu điểm vượt trội của mô hình nuôi lươn không bùn

Mô hình nuôi lươn không bùn trở lên phổ biến nhờ có những ưu điểm vượt trội:

  • Nuôi lươn không bùn không tốn diện tích như các mô hình khác, phù hợp với nhiều điều kiện khác nhau, từ các các trang trại lớn đến các hộ gia đình vừa và nhỏ, nơi đô thị.
  • Người nuôi tiết kiệm được chi phí và công sức chuẩn bị, vệ sinh bùn đất. Nhiều bà con tận dụng lại các chuồng chăn nuôi heo trước đây sửa lại để nuôi lươn nên tiết kiệm nhiều chi phí.
  • Do lươn không lẩn trốn trong bùn đất nên người nuôi trồng dễ quan sát chăm sóc, phát hiện kịp thời nếu xuất hiện bệnh, và dễ áp dụng kỹ thuật cao.
  • Lươn mau lớn do không bị thay đổi môi trường sống tự nhiên. Lươn được nuôi ở mô hình nuôi lươn không bùn được người tiêu dùng đánh giá là có thịt ngon hơn và lớn hơn lươn nuôi có bùn.
  • Nuôi lươn không bùn được đánh giá là mô hình nuôi trồng thân thiện với môi trường.

Chuẩn bị bể nuôi lươn không bùn

Lươn không bùn được nuôi trong bể xi măng xây hình chữ nhật rộng từ 1 đến 2m, dài từ 2 đến 5m. Thành bể cần xây đủ cao để lươn không bò được ra ngoài, độ sâu tối thiểu từ 0,8 đến 1m. Thành và đáy bể nuôi phải bằng phẳng. Để tránh làm sây sát lươn, bạn nên tráng bể bằng hồ dầu để bề mặt bể được trơn láng. Đáy bể xây hơi nghiêng về phía ống thoát nước. Để tiết kiệm diện tích và thuận tiện cho việc quản lý, chăm sóc lươn bạn nên xây nhiều bể liên tiếp cạnh nhau. Nếu gia đình có sẵn chuồng nuôi heo cũ, bạn cũng có thể chọn cách cải tạo lại để tiết kiệm chi phí xây dựng chuồng trại.

Hệ thống ống cấp thoát nước của bể đều phải bọc bằng lưới để tránh lươn nuôi thất thoát ra ngoài. Ống cấp nước thông với nguồn nước sạch, đặt cao hơn so với mặt bể. Ống xả tràn dùng để xả bỏ lớp nước mặt khi gặp trời mưa đặt cao hơn mực nước trong bể 10cm. Ống thoát nước đặt sát với đáy.

Ánh nắng chiếu trực tiếp vào bể sẽ làm nhiệt độ nước tăng cao, ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng và phát triển của lươn. Do đó toàn bộ khu nuôi lươn phải có mái che chắn cẩn thận. Làm giàn trồng cây leo che nắng, che gió cũng là một biện pháp thường được sử dụng để cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, lá rụng vào bể có thể gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của đàn lươn nên bạn cần theo dõi thường xuyên và làm sạch bể kịp thời.

Chuẩn bị giá thể cho lươn trú ẩn

Lươn có đặc tính là thích trú ẩn nên khi nuôi lươn không bùn, bạn cần dùng vĩ tre hoặc dây ni lông để làm nơi trú ẩn cho lươn.

Chuẩn bị bộ vĩ tre làm nơi trú ẩn cho lươn

Tre (có thể thay bằng ống nhựa) phải được vuốt láng, cắt thành từng đoạn bằng chiều dài bể nuôi. Rồi bạn dùng dây buộc chặt hoặc dùng đinh đóng thành những tấm vạt, cây cách cây 4 – 6 cm. Diện tích mỗi tấm chiếm khoảng 60% diện tích bể. Cứ 3 lớp vạt đặt chồng lên nhau, mỗi lớp cách nhau 10cm được 1 bộ vĩ. Mang vạt ngâm trong nước trước khi nuôi khoảng 1 một tháng để tạo rong rêu giúp cho lươn không bị trầy xước. Vĩ lên đặt giữa bể, cách vách 30- 40cm, đáy 10cm.

Giá thể cho lươn trú ẩn

Chuẩn bị dây ni lông làm nơi trú ẩn cho lươn

Tùy theo diện tích mô hình bạn cần chuẩn bị từ vài chục đến vài trăm đoạn dây ni lông, rồi chia thành nhiều bó. Những bó dây này sẽ có tác dụng như tổ cho lươn ẩn trú. Đặt một cây đòn (có thể dùng tre hoặc ống nhựa) ngang thành bể. Cột một đầu của bó ni lông vào cây đòn, một đầu thả tự do vào bể. Để tiết kiệm bạn nên dùng loại dây ni lông tái sinh để có thể tái sử dụng cho những mùa sau.

Chuẩn bị lươn giống

Để nuôi lươn không bùn đạt hiệu quả cao thì bạn nên chọn mua con giống nhân tạo ở các cơ sở sản xuất có uy tín. Nếu lươn giống được đánh bắt trong tự nhiên bằng chích điện hoặc dùng thuốc nhử mồi thì khó nuôi, tỷ lệ sống rất thấp. Đặc biệt lươn giống nhân tạo này đã được thuần bằng thức ăn viên nên dễ chăm sóc.

Chuẩn bị giống nuôi lươn không bùn

Chọn lươn giống phải có màu sắc tươi tắn, khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, bơi nhanh nhẹn, không bị trầy xước, dị tật, dị hình. Các thương nhân giàu kinh nghiệm cho hay lươn có màu vàng sẫm sẽ phát triển tốt nhất. Lươn màu vàng xanh là những chú lươn phát triển bình thường, trong khi đó lươn màu xám tro thường bị chậm lớn. Dùng dung dịch nước muối nồng độ 2 – 3% để sát trùng cho lươn từ 3- 5 phút. Tiếp đến là kiểm tra kỹ, loại bỏ những con bị bệnh hay yếu, lờ đờ, sây sát.

Thường một vụ nuôi sẽ kéo dài từ 4 đến 5 tháng khi chọn loại lươn giống từ 30 – 40 con/kg. Để có thể thu hoạch sớm hơn (khoảng từ 3- 4 tháng) nên chọn loại giống lớn hơn có kích cỡ từ 20 – 30 con/kg. Đối với lươn giống từ 40 – 60 con/kg thì một vụ sẽ kéo dài hơn 5 tháng.

Kỹ thuật cho lươn ăn

Ngày đầu tiên thả giống vào bể nuôi để lươn ổn định và làm quen môi trường bạn không nên cho lươn ăn luôn. Ngày thứ 2 lươn có thể bắt đầu ăn với lượng thức ăn bằng 1 – 2% trọng lượng đàn. Dùng tre hoặc ống nước làm thành sàng ăn hình chữ nhật. Rải thức ăn trên sàng để dễ quan sát rồi điều chỉnh liều lượng cho phù hợp. 

Cho lươn ăn

Nguồn thức ăn cho lươn khá đa dạng, tùy theo điều kiện mỗi hộ gia đình, trang trại có thể chọn loại thức ăn cho phù hợp:

  • Thức ăn từ vườn: trùn quế, giun đất, bã đậu, các loại rau quả.
  • Trong mùa nước nổi, bạn nên tận dụng các loại thức ăn vừa dễ kiếm, vừa giàu chất dinh dưỡng như: cua, ốc, hến, cá tạp xay nhuyễn, tép…
  • Cũng có thể phối trộn giữa thức ăn từ tự nhiên (đầu cá, ruột cá, ốc xay nhuyễn,..) với cám viên của cá có vảy theo tỉ lệ 7:3. Cách trộn thức ăn như này giúp lươn tăng khả năng bắt mồi, hạn chế cặn trong bể. Nhưng lưu ý không nên sử dụng cám viên của cá da trơn vì lượng lipid cao trong loại cám này khiến lươn bị tích nhiều mỡ dễ bị bệnh. 
  • Bạn có thể thay thế thức ăn tự nhiên bằng thực phẩm công nghiệp giàu đạm (khoảng từ 41 đến 45%), với khẩu phần bằng 1 đến 3% trọng lượng đàn.

Để tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho lươn, định kỳ bạn nên trộn thêm vào thức ăn tỏi, men tiêu hóa, Vitamin C và sổ giun sán.

Tăng sức đề kháng cho lươn

Mùa đông ở miền Bắc, lươn sinh trưởng chậm hoặc ngừng sinh trưởng do lươn ăn rất ít trong môi trường lạnh. Vào vụ hè, lươn ăn nhiều và lớn nhanh. Với đặc tính ăn đêm của lươn thì ngày bạn nên rải 20% lượng thức ăn, 80% còn lại thì thả vào chiều tối (thường vào lúc 5- 6 giờ chiều). Một ngày lươn có thể ăn từ 2 đến 3 cữ nhưng phải rải đúng giờ để lươn có phản xạ tốt. Tháo nước xuống khoảng 3cm trước khi cho lươn ăn. Cần thường xuyên quan sát khi lươn đang ăn. Bổ sung thêm nếu thức ăn, không thì lươn lớn sẽ ăn lươn bé gây hao hụt. Nên từ từ điều chỉnh lượng thức ăn vì thức ăn dư sẽ làm ô nhiễm nguồn nước.

Xử lý nước trong bể nuôi lươn không bùn

Mực nước trong bể luôn phải duy trì từ  20 – 50cm, ngập các vĩ tre. Nước phải luôn sạch với lượng oxy hòa tan trên 2mg/l. Nếu thiếu oxy, lươn sẽ nổi đầu hàng loạt lên để thở. Nhiệt độ nước trong bể thích hợp nhất trong khoảng 23-28 độ C, trên 36 độ C lươn sẽ chết. Sau khi cho lươn ăn 1 – 2 tiếng, tiến hành thay nước trong bể, loại bỏ hết cặn thức ăn. Nếu mật độ lươn nuôi dày, môi trường sống sẽ dễ bị ô nhiễm và gây bệnh cho lươn. Do đó nên thay nước 2 lần một ngày. Nhiệt độ nước cũ và nước mới không chênh lệch quá 4°C. Bạn cần kết hợp xịt rửa vệ sinh khi thay nước để đảm bảo độ sạch môi trường sống cho lươn. 

Kỹ thuật phân đàn lươn

Lươn có tập tính ăn lẫn nhau, con lớn có thể ăn con bé. Vì vậy, sau khoảng 1- 2 tháng nuôi hoặc khi đàn lươn có kích thước không đồng đều cần tiến hành phân loại và tách đàn. Dùng sàng trơn láng để phân loại cỡ lươn hoặc dùng vợt để bắt lươn. Tuyệt đối không được dùng tay bắt lươn. Lươn lớn xếp chung một bể, lươn nhỏ xếp sang một bể khác. Không để đàn bị so le. Tránh lươn ăn lẫn nhau, làm xước xát thân lươn dễ gây ra bệnh. Trước khi tiến hành phân cỡ, cho lươn nhịn ăn 1 ngày.

Kỹ thuật phân đàn lươn

 

Cách phòng bệnh và chữa bệnh khi nuôi lươn không bùn

Nuôi lươn không bùn giúp bạn dễ dàng quan sát lươn và nhanh chóng phát hiện khi lươn bị bệnh. Khi thấy lươn bò rải rác trong bể, không nằm trú ẩn trong vĩ tre, bó ni lông. Khi lươn bắt mồi kém, âm thanh bắt mồi rời rạc thì khả năng cao lươn đã bị bệnh. Lúc đó bạn phải ngừng cho lươn ăn, rồi thay nước mới cho bể nuôi. Dùng nước muối 3 – 5% tắm lươn và theo sát đàn lươn để có biện pháp xử lý kịp thời. Thấy con lươn bệnh phải  bắt riêng ra chậu hoặc thùng để điều trị.

Phòng ngừa bệnh cho lươn

Nếu bạn thấy trên thân lươn có sợi hình bông bám vào đó là do ký sinh trùng hút chất dinh dưỡng. Bệnh này gọi là nấm thủy mi. Phải dùng Bioxid For Fish sát trùng bể mỗi ngày. Vớt lươn ra ngâm trong nước muối có nồng độ 5% trong 10 phút, hoặc tắm bằng iodine sau đó thả lại bể. 

Lươn dễ bị bệnh đường ruột nếu không tiêu hóa được do thức ăn có chứa chất bảo quản. Phân lươn nổi lên trên mặt nước. Trường hợp này, bạn tuyệt đối không sử dụng kháng sinh hay hóa chất để can thiệp, chỉ cần bổ sung men tiêu hóa vào trong thức ăn.

Các loại cá tạp, ốc trong thức ăn của lươn có nhiều giun sán do đó trong quá trình nuôi định kỳ tẩy giun 15 ngày/lần bằng cách trộn thuốc trị nội ngoại ký sinh vào trong thức ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Thu hoạch lươn

Lươn nuôi từ 5 đến 6 tháng sẽ đạt kích cỡ thương phẩm  khoảng 200g/con trở lên thì bắt đầu thu hoạch. Trước khi thu hoạch nên cho lươn nhịn ăn 1 ngày. Rút hết nước trong bể nuôi, bắt lươn rửa sạch và tiến hành vệ sinh chuồng để nuôi vụ tiếp theo.

Thu hoạch lươn không bùn

Đến đây bạn đọc đã nắm được toàn bộ mô hình nuôi lươn không bùn. Mong rằng với những bí quyết này, bạn sẽ áp dụng thành công và có những vụ thu hoạch bội thu. 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *