Nuôi ốc nhồi (ốc bươu đen) đang trở thành hướng phát triển kinh tế mới của nhiều hộ nông dân bởi dễ chăm sóc và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng Nông Nghiệp Mới tìm hiểu kỹ thuật nuôi ốc nhồi thương phẩm được áp dụng rộng rãi hiện nay nhé!
Chuẩn bị ao nuôi ốc nhồi
Diện tích ao nuôi không cần quá lớn vì sẽ khó quản lý đàn ốc, đặc biệt là khi xuất hiện bệnh sẽ dễ lây lan, khó ngăn chặn. Vệ sinh ao nuôi ốc trước khi nuôi bằng cách tháo cạn nước, cào sạch bùn. Tẩy dọn sạch ao nuôi ốc nhồi bằng cách cày bừa và phơi đáy. Rải vôi bột để diệt sạch mầm bệnh và cân bằng độ PH cho ao nuôi. Ngoài ra, bước này còn góp phần loại bỏ các loài ăn ốc có trong ao như cá trắm đen, baba,…
Chọn ao nuôi ốc nhồi có khả năng cấp, thoát nước tốt để thuận lợi trong quá trình nuôi. Khi lấy nước vào ao, cần lấy qua một tấm lưới lọc để tránh rác và các sinh vật khác vào tấn công ốc. Để thuận tiện cho quá trình cấp thoát nước, đáy ao cần được thiết kế tạo độ dốc về phía cống thoát nước. Ốc nhồi thường không phân bố đều khắp ao mà chỉ tập trung ở một số khu vực nhất định. Vì vậy, bạn nên làm đáy ao không bằng phẳng, có địa hình nông sâu khác nhau để ốc phân bố rải rác hơn.
Để tránh chuột làm ổ quanh bờ ao, bạn nên phát quang bụi rậm, cây cỏ. Thả bèo lục bình, bông sung, rau rút,… vào ao để làm chỗ bám cho ốc và tăng độ mát cho ao. Nên thả bèo chiếm khoảng 1/4 diện tích ao nuôi. Cần làm khung để ngăn bèo lại tránh bèo phát triển quá nhanh, lan rộng khắp ao.
Nếu như ao chỉ để chuyên nuôi ốc nhồi, mực nước lý tưởng nhất từ 0,8-1,5m. Bờ ao xây cao hơn mực nước một khoảng tối thiểu là 0,5m.
Đối với các khu vực chiêm trũng, bà con có thể kết hợp bằng cách thả ốc vào ruộng trồng lúa. Sự kết hợp này có thể tận dụng diện tích, ốc có sẵn nguồn thức ăn được sinh ra trong quá trình cải tạo đất trồng lúa. Tuy nhiên, cần lưu ý bạn nên đợi đến khi cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt mới thả ốc vào chung. Mực nước ở ruộng kết hợp cũng không cần quá nhiều vì cây lúa phát triển sẽ che chắn ánh nắng mặt trời cho ốc.
Chuẩn bị giống ốc nhồi
Số lượng ốc nhồi giống cần chuẩn bị phụ thuộc vào diện tích ao nuôi của bạn. Mật độ lý tưởng để nuôi ốc nhồi là 70 con ốc/ m2. Ốc nhồi giống được chọn thường có kích thước từ 0,4 – 0,6 g/ con. Chọn ốc nhồi giống khỏe mạnh, phần đỉnh vỏ có màu sắc tươi sáng, vỏ ốc nguyên vẹn, không bị dập, sứt mẻ. Vận chuyển ốc nhồi giống bằng các túi bọc, cần luôn luôn giữ ẩm cho ốc. Tạo độ thông thoáng cho túi bọc với môi trường ngoài, không được đóng kín túi. Nhiều người thường quá cẩn thận nên bơm oxy khi vận chuyển nhưng điều này được cho là không cần thiết.
Vận chuyển ốc nhồi không cần thiết phải bơm oxy nhưng phải luôn giữ ẩm cho ốc. Luôn giữ độ thông thoáng cho ốc với môi trường bên ngoài, tuyệt đối không đóng kín. Bạn có thể sử dụng túi bọc hoặc thùng xốp khi vận chuyển. Đối với thùng xốp, bạn nên đục lỗ trên nắp thùng xốp để thông khí với bên ngoài.
Ốc giống khi mang về nên được thả ra chậu, rồi từ từ cho nước vào vào chậu để ốc thích nghi với môi trường nước khoảng 30 phút. Không nên thả trực tiếp ốc mới xuống ao nuôi. Tháng 4 – tháng 6 được xem là thời điểm thả ốc giống lý tưởng nhất, đặc biệt ở miền Bắc vì sẽ kịp thu hoạch ốc nhồi trước mùa lạnh.
Kỹ thuật chăm sóc ốc nhồi
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng để ốc nhồi phát triển tốt, nhanh cho thu hoạch. Thức ăn của ốc nhồi rất đa dạng và dễ kiếm ngay trong tự nhiên. Các loại rau xanh, bèo, lá sắn, rau muống,… là những loại thức ăn được sử dụng phổ biến khi nuôi ốc nhồi. Ốc nhồi có tập tính bám dưới mặt lá để ăn, nên khi sử dụng các loại thức ăn xanh nên để cả cây lá, không băm nhỏ. Vào buổi sáng sớm, ốc nhồi thường nổi lên mặt nước để ăn. Lúc này, bạn có thể dễ dàng quan sát các khu vực ốc nhồi tập trung nhiều. Vì tập tính di chuyển chậm và phân bố không đều ở các khu vực của ốc, bạn nên quan sát vị trí tập trung của ốc vào buổi sáng và cho ăn ở nơi tập trung để ốc bắt mồi một cách nhanh nhất. Điều này cũng giúp bạn tránh được việc dư thừa hoặc thiếu thức ăn cục bộ.
Đối với thức ăn tinh như bột ngô, cám gạo,… mỗi ngày chỉ nên cho ốc ăn một lần vào giờ cố định. Để kiểm soát lượng thức ăn còn sót lạ, bạn nên sử dụng một sàng ăn bằng tre chuyên biệt. Kiểm tra sàng trước mỗi lần cho ăn, nếu vẫn còn thừa thì không cần cho thêm. Lượng thức ăn tinh có thể được điều chỉnh liên tục tùy thuộc vào khả năng ăn của ốc, thương khoảng 0,5-1% khối lượng ốc hiện có trong ao nuôi.
Trong hai tháng đầu thả ốc vào ao nuôi, bạn không cần thay nước trong ao. Bắt đầu từ tháng thứ ba, nên định kỳ thay nước cho ao nuôi ốc nhồi hai tuần một lần. Khi thay nước, nên giữ lại 1/4 lượng nước cũ trong ao.
Thu hoạch ốc nhồi
Sau 3-4 tháng, khi ốc nhồi trong ao nuôi đạt trọng lượng tiêu chuẩn 25-30 con/kg thì bạn có thể tiến hành thu hoạch ốc nhồi. Có thể sử dụng thuyền thu hoạch ốc vào buổi sáng, khi ốc bám vào các cành, lá cây. Số còn lại thì tiến hành tháo cạn nước ao và thu hoạch. Bạn cũng có thể chọn cách chỉ thu hoạch những chú ốc to bám vào cành lá, sau đó thả bù ốc nhỏ vào ao và tiếp tục nuôi.
Sau mỗi mùa thu hoạch, bạn có thể bớt lại số lượng ốc bố mẹ nhất định để nhận giống ốc cho vụ sau.
Nuôi ốc nhồi đang là một hướng kinh tế mới giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo. Mong rằng qua bài viết trên sẽ giúp bạn nắm rõ và áp dụng thành công kỹ thuật nuôi và chăm sóc ốc nhồi!